Đăng nhập

Tâm sự

Hãy hiểu bố mẹ mình hơn

Lượt xem : 1690

Khi bước qua tuổi thiếu niên và bắt đầu lứa tuổi thanh niên, mặc dù không muốn nhưng hầu hết các bạn trẻ đều nhận thấy quan hệ giữa mình và cha mẹ có nhiều thay đổi. Họ thường như không còn ngưỡng mộ, sùng bái cha mẹ hoặc coi cha mẹ là thần tượng như hồi còn bé, thay vào đó là thái độ phê phán, nhiều khi là bực tức hay phản ứng gay gắt với cha mẹ. Trong rất nhiều gia đình giữa các bạn trẻ và cha mẹ thường xuyên nổ ra xung đột hoặc sự bất đồng, căng thẳng triền miên. Nhiều bạn trẻ không tránh được cảm giác khó chịu, coi thường cha mẹ mình. Thay cho việc trước đây họ thường nhắc tới “bố mẹ” một cách trân trọng, yêu thương, thì nay họ gọi cha mẹ là “ông bà già”, “ông bà cô”, “phụ huynh” v.v… vì sao quan hệ giữa tuổi trẻ và cha mẹ lại có bước đổi thay, khó chịu như vậy ?
Đó là vì các bạn trẻ đột nhiên thấy mình đã lớn, đã trưởng thành. Họ muốn thoát khỏi tầm tay che chở, bảo trợ của cha mẹ để sống tự do theo ý muốn. Nhưng theo thói quen, các bậc cha mẹ thấy con mình vẫn còn là một đứa trẻ, còn nông nổi, bồng bột cần sự quan tâm chăm sóc, họ luôn luôn lo lắng sợ những chuyện không may xảy ra với con hoặc sợ rằng mình có sơ suất trong việc giáo dục con. Suốt hàng chục năm nuôi dưỡng con, các bậc cha mẹ đã phải trải qua bao nỗi lo âu, sợ hãi và họ cho rằng chừng nào con cái còn sống với mình thì mình còn tiếp tục phải có trách nhiệm kiểm soát và quyền hạn đối với chúng. Họ tin rằng làm như vậy thì sẽ tránh cho con cái gặp phải những điều không may.
Than ôi, những động cơ tốt đẹp và chính đáng đó của các bậc cha mẹ lại thường “quấy rầy” đám thanh niên. Làm sao có thể chịu được khi ta đã 18 tuổi rồi mà cha mẹ còn tìm cách “đọc trộm” nhật ký thư từ riêng của ta, lại luôn mắng mỏ, “lên lớp” thậm chí dùng cả bạo lực để bắt ta tuân thủ. Điều làm các bạn trẻ bực bội nhất là cha mẹ thường tìm cách can thiệp quá sâu vào đời sống tình cảm của họ, từ cách đi đứng, ăn mặc, quan hệ bạn bè “nên chơi với đứa này mà không được chơi với đứa kia”… Các bạn trẻ thường phản ứng lại sự áp chế của cha mẹ bằng những thái độ cực đoan như cải văng mạng, khiêu khích, quát tháo la hét, đóng sập cửa lại không nghe, bỏ đi, thậm chí còn lăng mạ, xúc phạm cha mẹ. Điều đó gây nên tình trạng khủng hoảng trong gia đình và những hậu quả xấu khó sửa chữa được.

Lan Nguyễn


Các bài viết khác